5 ngành khó tuyển sinh, làm sao để có thêm người học?

Nội dung chính

Theo số liệu thống kê được Bộ GD&ĐT đưa ra tại báo cáo kết quả tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020, có 5 nhóm ngành kém lợi thế tuyển sinh là: Nông lâm thủy sản, Khoa học tự nhiên, Bảo vệ môi trường và khoa học môi trường, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống. Bài toán đào tạo tiếp hay đóng cửa ngành học vẫn chưa được các trường đưa ra phương án cuối cùng. Trong khi đó, việc mở ngành mới cũng vẫn cần phải cân nhắc, dựa trên tình hình thực tế.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2019, kết quả tuyển sinh đợt 1 có 405.193 thí sinh trong danh sách trúng tuyển, đạt 115,39% chỉ tiêu; nhập học xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia (xét tuyển đợt 1) là 258.870 đạt 73,72% chỉ tiêu THPT quốc gia (năm 2018 đạt 72,40%) và đạt 63,89% so với số trúng tuyển.

Riêng ngành sư phạm, số thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên là 27.373. Trong đó, trình độ ĐH là 16.742, đạt 70,89%; trình độ CĐ là 8,537, đạt 46,12%; Trình độ TC là 2.094, đạt 30,34% so với chỉ tiêu (năm 2018, có 24.484 thí sinh nhập học ngành sư phạm).

Cũng theo báo cáo này, có 5 nhóm ngành ĐH kém lợi thế tuyển sinh nhất trong toàn hệ thống. Đó là nhóm ngành Nông lâm nghiệp và Thủy sản, tỷ lệ nhập học đạt 32,6%; nhóm ngành Khoa học tự nhiên đạt 34,58%; Môi trường và bảo vệ môi trường đạt 45,28%; Dịch vụ xã hội đạt 45,71% và Khoa học sự sống đạt 50,04%.

5 nganh kho tuyen sinh lam sao de co them nguoi hoc
Nhiều trường đề nghị cần có rà soát cụ thể với những ngành khó tuyển để có phương hướng khắc phục bất cập. Ảnh: P.T


Thực tế cho thấy, những mùa tuyển sinh vừa qua một số ngành của các trường ĐH đang trong tình trạng khó tuyển sinh. Nếu tiếp tục đào tạo, các trường sẽ phải bù lỗ kinh phí cho những ngành khó tuyển sinh, còn nếu tạm thời đóng cửa, dừng tuyển sinh sẽ là một điều đáng tiếc bởi đây là những ngành truyền thống, có thế mạnh về đào tạo. Và nếu đóng cửa ngành học, theo quy định, ngành đào tạo nếu 3 năm liên tiếp không tuyển sinh được các trường sẽ không được giao chỉ tiêu những năm tới nữa.

Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM vừa quyết định ngưng tuyển sinh 2 ngành Công nghệ vật liệu dệt may và Kỹ thuật nữ công. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng quyết định tạm dừng tuyển sinh một vài ngành trong năm tới như Ngôn ngữ Pháp, Xây dựng cầu đường... Lý do là những năm gần đây các ngành này khó tuyển.

Tuy nhiên, cũng có những trường cố gắng duy trì đào tạo ngành khó tuyển bằng hình thức giảm chỉ tiêu còn ít nhất có thể. ĐH Đồng Nai, cho biết dự kiến trường giảm tiếp thì sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành.

Tại Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2020 do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó GĐ ĐH Đà Nẵng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần rà soát những ngành khó tuyển nhưng xã hội đang cần nhân lực để đề xuất chủ trương, nhằm khắc phục bất cập trong đào tạo ở 5 nhóm ngành trên. Theo đó, những ngành mà xã hội cần nhân lực phải có cơ chế “đặt hàng” các cơ sở đào tạo hoặc có chính sách hỗ trợ.

Bản thân các trường đào tạo các ngành khó tuyển này cũng tính đến phương án liên kết, phối hợp đào tạo. Nghĩa là nhiều trường cùng đào tạo ngành khó tuyển kết hợp với nhau, bàn lại về chương trình và giáo trình để thống nhất tổ chức các lớp học, có thể chọn phương thức gửi đào tạo nếu cần.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường ĐH Hùng Vương cho biết: Trường sẽ tiếp tục đào tạo những ngành khó tuyển. Các phương án đẩy mạnh công tác tuyển sinh được đặt ra như xét tuyển nhiều phương thức và phối hợp với trường ĐH khác cùng đào tạo ngành này để mở lớp.

Ở một diễn biến khác, để bù lại nguồn tuyển cho những ngành khó tuyển, nhiều trường cũng tính đến phương án mở ngành mới. Tuy nhiên, mở ngành mới cũng phải dựa trên những tính toán về nhân lực đào tạo, nhu cầu của thị trường những năm tới, chương trình đào tạo, chứ không đơn giản là bình mới rượu cũ, đơn thuần đổi tên ngành học. Chưa kể, Bộ cũng yêu cầu các trường mở ngành mới phải dựa trên những căn cứ khoa học cụ thể.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Phải tính toán kĩ việc mở ngành, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào một số nhu cầu nhất thời của một số đơn vị mà mở ra một ngành mới; không đưa ra tổ hợp xét tuyển thiếu cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn. Thực trạng có trường xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh trong phương án tuyển sinh chưa sát với thực tiễn, dẫn đến nhu cầu người vào học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào.

Bộ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục Đại học phối hợp với các vụ, cục khác hỗ trợ các trường ngay từ khâu hướng dẫn xây dựng đề án tuyển sinh, không phải có đề án xong mới báo lên để thẩm định; từ đó có được phương án tuyển sinh tốt.

Bởi: Dược Sài Gòn