Bệnh nhân bị viêm thanh quản cần có những biện pháp điều trị nào?

Viêm thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm gây ảnh hưởng lớn đến khả năng nói và phát ra âm thanh của người bệnh. Vậy cần có những biện pháp nào để điều trị dứt điểm căn bệnh này?



Bệnh viêm thanh quản khiến người bệnh bị khản tiếng và mất tiếng

NGUYÊN NHÂN CỦA BỆNH VIÊM THANH QUẢN LÀ GÌ?

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm thanh quản cấp tính. Hầu hết các trường hợp viêm thanh quản cấp tính là tạm thời và hồi phục tốt khi nguyên nhân bên dưới được giải quyết. Tác nhân gây bệnh bao gồm:


  • Virus là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất, tương tự như khi bị cảm lạnh, thường gặp là: Influenzae (cúm), APC...

  • Vi khuẩn gây bệnh trong ít trường hợp hơn, như phế cầu, Hemophilus influenzae. Trực khuẩn bạch hầu ngày nay ít gặp vì tỷ lệ tiêm chủng bạch hầu ngày càng cao.

  • La hét quá nhiều.

Triệu chứng bệnh Viêm thanh quản

Trong hầu hết các trường hợp triệu chứng viêm thanh quản cấp chỉ kéo dài trong vài tuần và khá nhẹ nhàng. Số ít trường hợp viêm thanh quản cấp xuất hiện với các biểu hiện nặng nề. Triệu chứng viêm thanh quản cấp tính bao gồm:

Triệu chứng toàn thân

Người bệnh thường sốt, ớn lạnh, kèm mệt mỏi. Mức độ biểu hiện phụ thuộc và nguyên nhân gây bệnh.

Triệu chứng cơ năng

Khàn tiếng, khóc khàn ở trẻ em, ho khan sau có thể có đờm. Viêm thanh quản cấp ở trẻ em có thể có khó thở thanh quản nhất là trong viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn, nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời. Đau họng, cảm giác khó chịu như có dị vật trong họng

Triệu chứng thực thể


  • Niêm mạc họng đỏ, amidan có thể sưng.

  • Niêm mạc thanh quản phù nề, đỏ.

  • Dây thanh âm xung huyết đỏ, phù nề có xuất tiết nhầy ở mép trước dây thanh.


Các triệu chứng của viêm long đường hô hấp trên như nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi thường xuất hiện trước. Tiếp đến, giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, thậm chí mất tiếng. Các triệu chứng thường kéo dài trong vòng vài ngày. Bệnh thường khỏi trong vòng 1 tuần. Ngoài ra, triệu chứng khàn tiếng có thể kéo dài hơn.


Người bệnh cần đến cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu:


  • Khó thở.

  • Ho ra máu.

  • Đau họng tăng lên nhiều.

  • Đùn nước dãi ở trẻ.


Viêm thanh quản cấp để lâu không điều trị có thể dẫn tới các biến chứng như viêm khí phế quản, viêm phổi, gây khó thở nặng nguy hiểm đến tính mạng.


Đường lây truyền chủ yếu là hô hấp, đặc biệt ở những người đang mắc nhiễm trùng đường hô hấp trên.



Cách chữa bệnh tốt nhất là cho giọng nói của người bệnh được nghỉ ngơi

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM THANH QUẢN

Theo các Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết các biện pháp điều trị bệnh viêm thanh quản như sau:

Điều trị tại nhà không dùng thuốc

Viêm thanh quản cấp thường tự khỏi trong khoảng 1 tuần. Cải thiện cách chăm sóc giúp cải thiện tình trạng bệnh bằng các biện pháp:


  • Thở không khí ẩm: có thể sử dụng máy tạo ẩm.

  • Hạn chế nói hoặc hát quá lớn hoặc quá lâu. Nếu cần thiết phải nói, có thể sử dụng micro.

  • Tránh thì thầm vì nó thậm chí sẽ làm căng dây thanh âm nhiều hơn.

  • Tránh các thuốc xịt mũi vì làm khô họng.

  • Uống nhiều nước hơn để điều trị bệnh hiệu quả.

  • Người bị bệnh viêm thanh quản cũng chú ý sử dụng nước muối ấm súc miệng thường xuyên giúp làm dịu viêm, giảm sưng.

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C, E.

Điều trị bằng thuốc

Các nhóm thuốc thường được chỉ định trọng viêm thanh quản cấp:


  • Thuốc kháng sinh: thường không cần thiết trong hầu hết các trường hợp vì nguyên nhân chủ yếu là do virus. Kháng sinh thường được chỉ định khi viêm thanh quản cấp do vi khuẩn. Bệnh nhân không được tự ý điều trị kháng sinh ở nhà. Việc điều trị không đúng loại kháng sinh làm tăng tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc và giảm hiệu quả của việc điều trị sau này. Khi có các triệu chứng bất thường như đã kể trên, người bệnh cần đến khám tại bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và hướng dẫn điều trị đúng cách.

  • Corticosteroids có thể làm giảm viêm dây thanh âm. Tuy nhiên, nhóm thuốc này thường chỉ được khuyến cáo sử dụng khi người bệnh cần lấy lại giọng nói sớm nhất có thể như phải thuyết trình, lên phát biểu. Prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone… thường được sử dụng.

  • Thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như paracetamol, aspirin,...

Điều trị ngoại khoa


  • Các trường hợp viêm thanh quản cấp có khó thở thanh quản độ II, độ III cần mở khí quản cấp cứu.


Viêm thanh quản là một bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh. Vì thế người bệnh cần chú ý đến các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Xét tuyển trực tuyến