Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay có phương pháp điều trị nào?

Bệnh viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là bệnh lý lành tính, thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30 – 50, chiếm 1-3% dân số trong cộng đồng. Bệnh có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng, đôi khi là cả năm, vậy phương pháp điều trị sẽ như thế nào?



Viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là bệnh lý rất dễ gặp

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

Cơ chế trực tiếp gây bệnh viêm cầu lồi ngoài xương cánh tay là do sự căng thẳng quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, tổn thương ở vùng gân cơ duỗi và mang xương. Tại vị trí bám của gân có hiện tượng viêm, tăng sinh mạch và phù nề các phần mềm xung quanh.


Các nguyên nhân khiến bệnh dễ hình thành và phát triển là:


  • Vận động quá mức các cơ duỗi cổ tay và ngón tay: thường gặp ở những người chơi thể thao sử dụng tay nhiều như tennis, cầu lông, golf,… hoặc các nghề họa sĩ, nhạc công, ngư dân, thợ mộc.

  • Đột ngột thực hiện một động tác mạnh, sai cách gây chấn thương cho gân cơ.

TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP CỦA BỆNH VIÊM LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

Triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bao gồm:


  • Đau: đây là triệu chứng mà hầu hết bệnh nhân phải đối mặt. Đau xuất hiện ở vùng lồi cầu ngoài xương cánh tay do tổn thương viêm hoặc đứt gân cơ, đôi khi lan rộng xuống cẳng tay và cổ tay. Người bệnh cảm giác đau ngay cả khi nghỉ ngơi và tăng đau khi thực hiện các động tác duỗi cổ tay, cẳng tay, nâng vác vật nặng. Khi thăm khám, phát hiện điểm đau chói ở vùng lồi cầu hoặc cạnh lồi cầu.

  • Hạn chế vận động: là hậu quả của triệu chứng đau, các động tác duỗi, ngửa bàn tay và cầm nắm đồ vật bị hạn chế. Thậm chí các động tác cơ bản hằng ngày như cầm viết, đánh răng cũng bị cản trở.

  • Tê rần, hoặc ngứa, nóng ran ở vùng khuỷu tay, lan lên cánh tay hoặc xuống tận các ngón tay.


Các triệu chứng đa phần sẽ tiến triển từ từ, kéo dài trong nhiều tháng.



Chữa viêm lồi cầu ngoài xương bằng phẫu thuật nội soi với ưu điểm ít xâm lấn, ít đau, thẩm mỹ

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM LỒI CẦU NGOÀI XƯƠNG CÁNH TAY

Theo các Bác sĩ – Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết: Bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay đa số có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhiều. Tuy nhiên, ở những trường hợp bệnh tiến triển không thuận lợi, yêu cầu bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị dứt điểm như sau:

Thuốc

Các loại thuốc thường được chỉ định để giúp bệnh nhân giảm đau, giảm viêm tại chỗ và giãn cơ như:


  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, aspirin

  • Thuốc chống viêm không steroid: có nhiều dạng hoạt chất với các cách dùng khác nhau bao gồm dạng gel dùng bôi ngoài da như diclofenac, profenid; dạng viên dùng theo đường uống như diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib.

  • Corticosteroid: thường dùng đường tiêm tại chỗ, chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều, đau kéo dài, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường hay nhóm thuốc kháng viêm không steroid. Methylprednisolone acetat, bethamethasone là các thuốc thường được sử dụng. Khi tiêm chỉ nên tiêm một liều duy nhất, nếu muốn lặp lại cần dùng cách liều trước đó ít nhất 3 tháng. Việc tiêm trực tiếp thuốc vào nơi tổn thương có các tác dụng phụ như nhiễm trùng, teo da tại vùng tiêm, tổn thương chỗ bám của gân vùng khuỷu.


Bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ vì có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là khi lạm dụng các thuốc giảm đau, kháng viêm trong thời gian dài.

Vật lý trị liệu


  • Chườm lạnh ở vùng tổn thương để giảm đau. Chườm lạnh trong vòng khoảng 10-15 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày có hiệu quả trong việc giảm đau.

  • Không nên sử dụng các loại dầu nóng hay thuốc để tự xoa bóp, nắn chỉnh vì có thể gây viêm kéo dài, rất khó để điều trị.

  • Sử dụng laser lạnh, loại sóng ngắn, hay điện phân để giảm đau.

  • Mang các băng hỗ trợ cẳng tay trong lao động để làm giảm sự căng kéo các cơ duỗi ở khớp khuỷu.

Phẫu thuật

Chỉ định khi các phương pháp kể trên không đem lại hiệu quả hoặc bệnh tái phát quá nhiều lần. Một số cách thức phẫu thuật được áp dụng trong điều trị viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay bao gồm:


  • Cắt ngắn, kéo dài, tạo hình gân cơ duỗi để ngăn các hoạt động quá tầm.

  • Loại bỏ các tổ chức hư hỏng của gân duỗi

  • Giải phóng gân duỗi khỏi mỏm lồi cầu.


Phẫu thuật có thể được tiến hành bằng nội soi với các ưu điểm như ít xâm lấn, ít đau, bảo đảm tính thẩm mỹ.
Trong quá trình điều trị bệnh viêm lồi cầu ngoài xương, người bệnh nên hạn chế vận động, giảm các động tác duỗi và ngửa mạnh cổ tay để nâng cao hiệu quả khỏi bệnh được tốt hơn.

Xét tuyển trực tuyến