Điều dưỡng viên Sài Gòn chia sẻ về các dung môi pha thuốc thường dùng trong lâm sàng

Đối với điều dưỡng viên, việc thành thạo những thao tác với các loại dung môi pha thuốc, đặc biệt là các loại dung môi thường dùng trong lâm sàng là một trong những yêu cầu bắt buốc cần đáp ứng được.

Dung môi pha thuốc thường dùng trong lâm sàng

Dung môi pha thuốc thường dùng trong lâm sàng

Qua bài viết các Bác sĩ, điều dưỡng viên – giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ khái quát một số đặc điểm của các loại dung môi thường dùng trong lâm sàng, nhằm giúp các điều dưỡng viên trong tương lai có thể hiểu rõ hơn đồng thời áp dụng trong thực hành lâm sàng.

Các dung môi pha thuốc thường dùng trong lâm sàng

Nước cất pha tiêm

Nước cất pha tiêm sử dụng trong lâm sàng thường ở dạng đóng kèm theo ống/lọ thuốc trong bao bì đóng gói của nhà sản xuất hoặc dưới dạng ống/chai nước cất riêng lẻ. Đây là một loại dung môi nhược trương, vô trùng, pH trung tính, thường dùng để hoàn nguyên và pha loãng thuốc sử dụng cho tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch. Các thể tích nước cất pha tiêm thường là ống 5 mL, 10 mL hoặc chai 500 mL


Thể tích cần dùng khi tiêm bắp thường là 3-5 mL (khá hiếm trường hợp dùng lượng dung môi > 5 mL bởi thuốc có thể tích lũy gây hoại tử cơ) và khi tiêm tĩnh mạch chậm là 5 - 10 mL. Nước cất pha tiêm hầu như thích hợp cho mọi loại thuốc, trừ trường hợp các thuốc tan trong dầu


Thể tích chai 500 mL hầu như không dùng để pha loãng thuốc tiêm truyền, bởi đưa một lượng lớn dung dịch nhược trương vào cơ thể không có lợi về mặt sinh lý (làm tế bào hồng cầu căng phồng lên và vỡ). Loại này chủ yếu dùng để pha loãng các dung dịch khác (ví dụ pha loãng Natri clorid 0.9% để được dung dịch Natri clorid 0.45%) hoặc sử dụng cho bộ phận làm ấm và ẩm dòng không khí trong máy thở.

Dung dịch Natri clorid

Dung dịch natri clorid sử dụng trong pha thuốc tiêm truyền thường dùng loại có nồng độ 0,9%, còn gọi là nước muối sinh lý (Normal Saline –NS. Dung dịch Natri clorid được đóng gói ở các dạng chai 100 mL, 250 mL và 500 mL.


Natri clorid 0.9% là một dung dịch đẳng trương (nồng độ osmol là 308 mOsmol/L), có pH dao động từ 4.5 – 7, mỗi lít dung dịch chứa 154 mEq ion Na+ và Cl-. Natri clorid 0.9% có thể tương hợp với hầu hết các loại thuốc, trừ một số ít trường hợp đặc biệt như tương kỵ với kháng sinh pefloxacin, thuốc chống loạn nhịp amiodarone (cả 2 thuốc này đều phải dùng glucose 5% là dung môi pha loãng).


Khi sử dụng natri clorid để làm dung môi hoặc dịch truyền, phải thận trọng ở các đối tượng bệnh nhân suy tim sung huyết, phù, tăng natri máu. Trong thực hành lâm sàng, phải thận trọng để tránh nhầm lẫn với dung dịch natri clorid ở các nồng độ khác không dùng làm dung môi, như 0.45% (để bù dịch), 3%, 5%, 10% (để bù dịch và điều trị hạ natri máu).

Dung dịch Glucose

Dung dịch glucose sử dụng trong pha thuốc tiêm truyền thường là loại nồng độ 5%, đôi khi dùng loại 10%.


Dung dịch glucose 5% là dung dịch đẳng trương (nồng độ osmol là 278 mOsmol/L), không chứa điện giải, có pH hơi acid (3.5 – 6.5), do vậy dung dịch glucose có thể làm phân hủy các thuốc kém bền trong môi trường acid (ví dụ amoxicillin, ampicillin). Dung dịch glucose dễ biến chất và là môi trường để vi sinh vật phát triển, do đó nếu dùng làm dung môi thì dung dịch thuốc phải dùng ngay sau khi pha, không bảo quản được lâu. Khác với các dung môi khác, dung dịch glucose cung cấp năng lượng, mỗi lít glucose 5% cung cấp khoảng 170 kcal.


Trong thực hành lâm sàng, khi lựa chọn dung dịch glucose làm dung môi cũng cần lưu ý đến tình trạng bệnh lý của bệnh nhân. Ví dụ dung môi này không thích hợp cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường và trong điều trị hạ kali máu nặng. Bởi thế, dung dịch glucose 5% chỉ được chọn là dung môi khi không sử dụng được dung dịch natri clorid 0.9%

Các dung dịch truyền tĩnh mạch khác

Các loại dịch truyền khác, như dung dịch Ringer, dung dịch Hartmann’s, dung dịch bicarbonate, dung dịch dextran, manitol, albumin…do ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tương kỵ với các thuốc, nên hầu như không sử dụng như một dung môi pha thuốc thường quy.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh ngành Điều dưỡng uy tín

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh ngành Điều dưỡng uy tín

Một số lưu ý trong pha loãng thuốc

Khi pha loãng thuốc, điều dưỡng viên cũng cần đặc biệt lưu ý:


  • Không tùy tiện chọn dung môi khi chưa rõ tính tương hợp/tương kỵ: để tránh nguy cơ gặp các tương kỵ chưa được biết, đồng thời cũng không tùy tiện trộn chung các loại thuốc tiêm truyền.

  • Phải pha loãng thuốc theo đúng nồng độ đã hướng dẫn: mỗi loại thuốc có tỷ lệ pha loãng với dung môi khác nhau. Tỷ lệ giữa thuốc và dung môi sẽ quyết định đặc tính của sản phẩm thuốc tạo thành và cách dùng thuốc. Nếu pha đặc quá, thuốc sẽ tủa do không tan hết. Ngược lại, nếu pha loãng quá, thuốc không đạt được nồng độ mong muốn trong máu.


Cũng theo khuyến cáo từ các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, có những thuốc yêu cầu một tỷ lệ pha loãng nhất định, tức là một lượng dung môi nhất định, cần phải tuân thủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Lựa chọn một dung môi pha thuốc phù hợp cũng góp phần đảm bảo hiệu quả điều trị của thuốc và an toàn của người bệnh.

Xét tuyển trực tuyến