Thoái hóa cột sống là một bệnh lý mãn tính, xảy ra khi các thành phần cấu trúc như sụn, đĩa đệm và xương sống bị suy giảm chức năng theo thời gian. Tình trạng này thường dẫn đến đau nhức kéo dài và làm hạn chế cử động của người bệnh.
Nội dung chính
Nguyên nhân nào dẫn đến thoái hóa cột sống?
Dù tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây thoái hóa cột sống, vẫn còn nhiều yếu tố khác làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh:
Yếu tố di truyền: Những người trong gia đình có tiền sử thoái hóa cột sống dễ mắc bệnh hơn.
Chấn thương cột sống: Các tổn thương ở vùng cổ hoặc lưng có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa.
Cân nặng vượt mức: Béo phì khiến áp lực lên cột sống tăng cao, làm mòn sụn và đĩa đệm nhanh chóng.
Công việc nặng nhọc: Thường xuyên đứng, ngồi lâu hoặc mang vác vật nặng có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống.
Thiếu vận động: Không rèn luyện cơ và dây chằng khiến hệ thống nâng đỡ cột sống trở nên yếu, dễ tổn thương.
Việc hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp mỗi người chủ động trong việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe cột sống, cũng như phòng tránh những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.
Quá trình phát triển của bệnh thoái hóa cột sống
Theo chia sẻ từ bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Tp. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh thoái hóa cột sống thường trải qua bốn giai đoạn chính với mức độ tổn thương tăng dần:
Giai đoạn 1: Đĩa đệm bắt đầu mất nước, mỏng dần. Xuất hiện các gai xương nhỏ. Người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ, không thường xuyên.
Giai đoạn 2: Đĩa đệm bị xẹp, thậm chí có thể rách nhẹ. Gai xương phát triển lớn hơn, gây đau nhức thường xuyên, đặc biệt là vào sáng sớm.
Giai đoạn 3: Tình trạng đĩa đệm thoái hóa rõ rệt, có thể dẫn đến thoát vị. Gai xương chèn ép dây thần kinh, gây đau dữ dội lan đến tay hoặc chân, đi kèm tê bì và yếu cơ.
Giai đoạn 4: Các đốt sống biến dạng, ống sống bị hẹp nghiêm trọng. Người bệnh cảm thấy đau mãn tính kéo dài, có nguy cơ mất vận động, thậm chí liệt nếu không can thiệp kịp thời.
Việc phát hiện sớm các biểu hiện của từng giai đoạn là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị thích hợp và kịp thời.

Chẩn đoán thoái hóa cột sống như thế nào?
Để xác định chính xác tình trạng thoái hóa cột sống, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi chi tiết về triệu chứng, bệnh sử và các yếu tố nguy cơ. Sau đó, các xét nghiệm hình ảnh sẽ được chỉ định:
Chụp X-quang: Nhằm quan sát khoảng cách giữa các khe khớp và sự xuất hiện của gai xương.
Chụp CT hoặc MRI: Giúp đánh giá chi tiết tổn thương ở đĩa đệm, mô mềm và dây thần kinh.
Chụp SPECT: Phát hiện vùng tổn thương có hoạt động chuyển hóa bất thường trong cột sống.
Chẩn đoán chính xác là cơ sở để lựa chọn hướng điều trị phù hợp, giúp ngăn ngừa biến chứng và cải thiện chất lượng sống.
Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống hiện nay
Tùy theo mức độ tổn thương, người bệnh có thể được chỉ định nhiều phương pháp điều trị kết hợp. Trong đó, Vật lý trị liệu phục hồi chức năng đóng vai trò then chốt, đặc biệt với những trường hợp chưa cần can thiệp phẫu thuật.
Dùng thuốc:
Paracetamol: Là lựa chọn an toàn giúp giảm đau hiệu quả.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Như ibuprofen, naproxen, giúp giảm đau và viêm, nhưng cần theo dõi kỹ tác dụng phụ.
Thuốc giãn cơ: Hỗ trợ thư giãn cơ bị co cứng.
Thuốc giảm đau mạnh (opioid): Chỉ dùng khi đau quá mức và trong thời gian ngắn vì nguy cơ lệ thuộc.
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng: Các bài tập chuyên biệt giúp tăng cường độ dẻo dai và sức mạnh cho hệ cơ xương, hỗ trợ cột sống hiệu quả hơn. Việc tập luyện cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên chuyên môn, đồng thời duy trì thường xuyên tại nhà để đạt hiệu quả lâu dài.
Phẫu thuật:Chỉ được áp dụng khi điều trị nội khoa không đạt hiệu quả sau 3 tháng hoặc khi có biến chứng như chèn ép thần kinh, trượt đốt sống nặng. Một số kỹ thuật phẫu thuật hiện đại như thay đĩa đệm nhân tạo cũng đã được áp dụng tại các cơ sở y tế chuyên sâu.
Quá trình điều trị cần kiên trì và có sự phối hợp giữa người bệnh, bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng để mang lại hiệu quả bền vững. Việc phát hiện sớm, kết hợp điều trị đúng cách không chỉ giảm đau mà còn giúp duy trì khả năng vận động và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.